Sáng ngày 10-8, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân dự tỉnh chủ trì hội nghị chuyên đề về công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và triển khai Kế hoạch tổng thể ứng phó tình trạng hạn, mặn giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Quang cảnh hội nghị.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN) và phòng thủ dân dự (PTDS) tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1 và số 2, một số địa phương trên địa bàn tỉnh xảy mưa lớn, kèm theo dông lốc đã làm 01 người chết, 17 người bị thương, sập 142 căn nhà, tốc mái 317 căn nhà, làm chìm 12 phương tiện tàu, thuyền và thiệt hại nhiều tài sản khác của Nhà nước và người dân trên địa bàn tỉnh. Mưa dông cũng đã làm trên 15.524 ha lúa Hè Thu, 17.571 ha lúa Thu Đông bị ngập úng tạm thời, đổ ngã,... ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 16 tỷ đồng.
Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS các huyện, thành phố bố trí chỗ ở tạm thời cho người dân bị thiệt hại và chỉ đạo thực hiện phương châm “4 tại chỗ” giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, đã tạm ứng một phần ngân sách của huyện, vận động từ MTTQ huyện, Hội CTĐ huyện để hỗ trợ, thăm hỏi, động viên người dân bị thiệt hại, với tổng kinh phí trên 950 triệu đồng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành cho rằng, tình hình thiên tai các tháng cuối năm 2023 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện nhiều; tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có nguy cơ xảy ra ở cấp độ cao, trên phạm vi rộng, kéo dài từ mùa khô năm 2023 - 2024 đến năm 2025.
Với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ tính mạng, ổn định đời sống cho người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành yêu cầu các ngành, các địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh; Công văn số 1453/UBND-KT ngày 03/8/2023 của UBND tỉnh về việc tập trung khắc phục hậu quả thiên tai và chủ động ứng phó với mưa lớn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS các huyện, thành phố thường xuyên cập nhật Kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với thiên tai đầy đủ, toàn diện, nhất là các tình huống mưa đặc biệt lớn trong thời gian ngắn; triển khai huấn luyện kỹ năng, trang bị công cụ, dụng cụ, phương tiện cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở nhằm đảm bảo hiệu quả thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.
Giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành lập Đoàn công tác, phối hợp với cùng các địa phương điều tra, xác minh thiệt hại về sản xuất lúa, hoa màu ở các địa phương; căn cứ vào số liệu diễn biến thiên tai, phạm vi ảnh hưởng, mức độ thiệt hại, báo cáo và đề xuất UBND tỉnh quyết định công bố tình huống thiên tai do mưa lớn; hướng chỉ đạo khắc phục hậu quả, hỗ trợ khôi phục sản xuất bị thiệt hại do thiên tai.
Các địa phương thường xuyên bị ngập úng do triều cường, lũ, mưa lớn tiến hành khảo sát nâng cấp các tuyến đê bao, bờ bao, đảm bảo trên mức báo động 2 và phát triển hệ thống trạm bơm chống ngập úng, điều tiết nước phục vụ sản xuất.
Chủ động bố trí nguồn lực, tăng cường đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai từ nguồn ngân sách địa phương, đảm bảo cơ bản đáp ứng được yêu cầu phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong thời gian tới.
Triển khai công tác tập huấn “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” và diễn tập “phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn quy mô cấp xã” theo kế hoạch năm 2023, nâng cao năng lực điều hành, ứng phó thiên tai của chính quyền địa phương theo phương châm “4 tại chỗ” và phát huy tính tự giác của người dân trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn./.