Cổng thông tin điện tử Hội Chữ Thập Đỏ tỉnh Kiên Giang

Tin tức - sự kiện

Xem với cỡ chữAA

Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy Viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính Phủ: Đẩy mạnh chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất

(16:07 | 09/08/2022)

Sáng qua, 8-8, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tổ chức phiên họp lần thứ ba trực tuyến với 63 điểm cầu trên cả nước để đánh giá kết quả chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2022 và xác định phương hướng, giải pháp, nhiệm vụ chuyển đổi số thời gian tới. Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp. Đồng chí Lâm Minh Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh chủ trì tại điểm cầu Kiên Giang.

Quang cảnh phiên họp trực tuyến đánh giá kết quả chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2022

và xác định phương hướng, giải pháp, nhiệm vụ chuyển đổi số thời gian tới

 tại điểm cầu Kiên Giang.

 

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển, được xác định là yêu cầu bắt buộc. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp các cấp, ngành thay đổi phương thức, nâng cao năng lực quản lý, điều hành.

Đồng chí Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xác định rõ chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, là công việc phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai; đảm bảo an toàn, an ninh mạng; quan tâm xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực hiện chuyển đổi số. Vấn đề đặt ra là phải đẩy mạnh chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất, triển khai các nhiệm vụ toàn diện, đồng bộ nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó. Thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương phải tạo ra phong trào, xu thế, nguồn lực tổng thể trong chuyển đổi số; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, giám sát trong thực hiện. Mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị phát huy tính chủ động, chú trọng mở rộng hạ tầng số, nêu cao tinh thần quyết tâm trong chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp.

6 tháng đầu năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo phát triển, đánh giá, công bố 50 nền tảng số, trong đó có 18 nền tảng phục vụ chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số, 16 nền tảng phục vụ xã hội số. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ chính phủ số. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đẩy mạnh triển khai, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Tỷ lệ dịch vụ công đủ kiều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 đạt 97,3%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ 45,7%, gấp 1,6 lần so cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến 36,9%, tăng khoảng 10% so cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đến hết 6 tháng đầu năm 2022 ước tính 10,41%.

So cùng kỳ năm 2021, hoạt động của người dân trên môi trường số 6 tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự tăng trưởng cả về số lượng người sử dụng, thời lượng sử dụng, đặc biệt ở các nền tảng số do nước ta sở hữu, phát triển. Đến hết tháng 6-2022, cả nước có 24 triệu bộ dữ liệu địa chỉ số của các hộ gia đình, cơ quan, tổ chức được khảo sát, cập nhật vào cơ sở dữ liệu địa chỉ số, trong đó có khoảng 7 triệu địa chỉ đã đầy đủ điều kiện để sẵn sàng thông báo cho chủ địa chỉ, chính thức đưa vào sử dụng, khai thác trên nền tảng địa chỉ số. Đây là nền móng để phát triển thương mại điện tử, kinh tế số vận tải, logistis và phát triển xã hội số./.

Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang